Những kinh nghiệm cần lưu ý khi chọn mua xe hơi cũ
Người dùng có rất nhiều vấn đề cần quan tâm khi mua một chiếc xe cũ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chia sẻ một số kinh nghiệm cần lưu ý, giúp bạn giải đáp một số câu hỏi khi tìm mua những chiếc xe cũ.
Khi tìm được chiếc ưng ý hợp túi tiền, bạn lại còn rất nhiều băn khoăn về chất lượng chiếc xe. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải tỏa ít nhiều về những băn khoăn đó.
Khi quyết định đi tìm cho mình một chiếc xe đã qua sử dụng, bạn có thể lo lắng rất nhiều điều
Trong khi điều kiện kinh tế chưa cho phép bạn sở hữu những chiếc xe mới 100% để phục vụ cho những yêu cầu đặt ra của bạn và gia đình thì việc lựa chọn những chiếc xe cũ đã qua sử dụng là một lựa chọn thông minh, giúp bạn có thể tìm được những chiếc xe phù hợp với yêu cầu của mình với chi phí rẻ hơn mua xe mới rất nhiều.
Một chiếc xe cũ tốt phụ thuộc rất nhiều vào cách mà các chủ trước đây của nó sử dụng như thế nào, có được bảo dưỡng định kỳ đúng tiêu chuẩn hay không? có bị tai nạn hay gặp các sự cố do người sử dụng gây ra hay không?
Người dùng có rất nhiều vấn đề cần quan tâm khi mua một chiếc xe cũ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chia sẻ một số kinh nghiệm cần lưu ý, giúp bạn giải đáp một số câu hỏi khi tìm mua những chiếc xe cũ.
Xe đã đi nhiều hay chưa?
Rất nhiều những chiếc xe cũ được rao bán trên mạng và các showroom thậm chí cả những chiếc xe do người dùng rao bán đều bị “tua” công tơ mét. Hiện nay, chi phí “tua” công tơ mét chỉ có vài trăm nghìn, được thực hiện bằng các loại máy hiện đại, đắt tiền nhập từ nước ngoài. Vì vậy, bạn đừng quan tâm đến chỉ số ODO hiển thị trên bảng đồng hồ. Hãy quan sát tổng thể chiếc xe và một số chi tiết sau là có thể đoán được chiếc xe đó đã đi nhiều hay chưa.
– Lốp xe: Nếu lốp còn “zin” theo xe từ khi xuất xưởng thì bạn có thể để ý đến độ mòn của lốp xe. Thông thường một đời lốp sẽ đi khoảng 5 – 6 vạn km (với xe con) thì sẽ mòn và sẽ phải thay lốp, căn cứ vào độ mòn của lốp bạn sẽ áng chừng được số ODO của xe nếu lốp xe vẫn còn “zin” từ đầu. Tuy nhiên, không loại trừ những trường hợp người sử dụng thay lốp khác khi thích “độ” lên loại khác hoặc lốp bị rách trong quá trình sử dụng và phải thay lốp khác.
– Đĩa phanh: Hãy quan sát độ mòn của đĩa phanh (đa phần các xe ngày nay đều sử dụng 4 phanh đĩa hoặc ít nhất cũng có 2 phanh đĩa phía trước). Dùng ngón tay miết lên bề mặt đĩa phanh và quan sát bề mặt đĩa phanh, nếu có nhiều rãnh và gờ thì chứng tỏ xe đã đi nhiều, đĩa phanh đã bị mòn nhiều hoặc thường xuyên vận hành trong điều kiện phải rà phanh liên tục. Đối với các xe thường đi trong thành phố thì đĩa phanh sẽ mòn nhanh hơn những xe thường chạy ở ngoại tỉnh.
– Khoang máy: Mở nắp ca-pô lên và quan sát kỹ toàn bộ khoang máy, phần cổ ống xả. Thông thường, những chiếc xe của “thợ” được dọn dẹp khá kỹ, rửa khoang máy bằng các loại hóa chất nên sạch bong như mới, rất khó quan sát được các vết chảy dầu ở các bộ phận của máy. Vì vậy, nếu có thể, bạn hãy nhờ một người nào đó hiểu biết về máy móc và có kinh nghiệm mua xe cũ xem hộ để cho yên tâm.
– Ngoài ra, bạn có thể quan sát các chi tiết bên trong xe như: trần nỉ, ghế da, các tay nắm cửa, chân phanh, côn, ga, cần số, vô-lăng và các chi tiết nhựa trong xe để xem chúng có mòn nhiều không, qua đó có thể đánh giá được một phần chất lượng của chiếc xe đó.
Mặt ghế bị nhàu nát là dấu hiệu cho thấy xe đã được sử dụng nhiều
Xe đã bị va quệt, tai nạn chưa?
– Quan sát kỹ mép của các cánh cửa, nắp ca-pô, nắp cốp hậu hoặc cửa sau. Thông thường các nhà sản xuất sẽ làm một đường gân chạy dọc các mép của các chi tiết này, thường gọi là “keo chỉ”. Nếu có va chạm mạnh làm biến dạng thì các đường gân này sẽ bị bong ra. Đặc điểm của đường gân “zin” là khi dùng móng tay bấm vào nó sẽ lún lại, nhưng sau một lúc sẽ tự hồi lại như cũ. Nếu đã có va chạm thì sẽ làm mất đường keo chỉ này.
Thông thường khi có va chạm thì thợ đồng sơn sẽ làm lại keo chỉ bằng các vật liệu khác (Silicon, matit…). Nếu làm bằng matit thì keo chỉ sẽ cứng, dùng móng tay bấm vào không được, nếu làm bằng các vật liệu khác mà bấm móng tay vào được thì bạn hãy quan sát sự liền mạch của đường keo chỉ xem có bị nối không, quan sát sự tương đồng về cách đi đường gân này giữa tất cả các cánh cửa của nhà sản xuất.
– Quan sát kỹ hai đầu sắt xi ở đầu và đuôi xe và các chi tiết như đèn pha, đèn hậu, chân két nước, giàn nóng điều hòa,… Nếu có va chạm mạnh làm biến dạng hoặc phải thay thế các chi tiết này thì hãy nghĩ ngay đến việc chiếc xe đã bị tai nạn.
Đường keo chỉ trên cánh cửa không còn nguyên vẹn, chứng tỏ xe đã bị va chạm
Hồ sơ giấy tờ như thế nào là thuận lợi?
Nếu mua được chiếc xe do chính chủ bán thì quá tốt và các thủ tục cũng dễ dàng hơn, chỉ cần người bán và người mua làm hợp đồng mua bán có công chứng, sau khi có hợp đồng mua bán được phòng công chứng chứng nhận là bạn có thể yên tâm giao hết tiền và tự đi làm thủ tục để sang tên đổi chủ cho chiếc xe của mình được. Mọi thủ tục bạn hãy nhờ các công chứng viên ở các phòng công chứng tư vấn.
Trường hợp chiếc xe đó không phải do chính chủ đứng ra bán thì bắt buộc họ phải có giấy ủy quyền của chủ sở hữu chiếc xe, hãy hỏi công chứng viên về tính hợp pháp của giấy ủy quyền đó để tránh rủi ro cho bạn.
Với sự thông thoáng của luật và những kẽ hở hiện nay, rất nhiều “cò” có thể làm thủ tục sang tên đổi chủ chiếc xe cho bạn mà không cần phải có mặt cả người mua lẫn người bán. Hãy cẩn thận với những trường hợp mua bán xe mà người bán không thể ra phòng công chứng cùng bạn để làm hợp đồng mua bán mà phải thông qua các dịch vụ của “cò”.
(nguồn autocar)
Leave a Reply