Việc tạo hình lại như nguyên bản đòi hỏi kinh nghiệm và kiến thức cao về kết cấu và hình dáng chuẩn của mỗi chiếc xe. Khó khăn nhất là các đường gấp, góc cạnh như mép cửa, hốc lốp… để khi sơn xong, phần tôn và nhựa phải liền khít với nhau.
Phàm đã tham gia giao thông ở Việt Nam, thì dù bạn có đi xe gì, Bentley Continental hay Kia Morning, dù bạn có lái xe cẩn thận đến đâu thì cũng khó tránh khỏi việc xế yêu bị trầy xước hay móp bẹp do va quệt.
Các vết trầy xước sơn trên xe không chỉ làm xe mất thẩm mỹ, mà còn là địa chỉ lý tưởng cho bụi bặm bám vào, nước mưa làm oxy hóa. Nếu tình trạng trầm trọng còn có thể làm cho vỏ xe chỗ trầy xước bị ăn mòn nặng, rỉ loang rộng ra, ảnh hưởng nghiêm trọng tới độ bền của vỏ xe.
Có lẽ cũng ít nơi nào trên thế giới mà dịch vụ sơn – gò – hàn xe hơi lại phát triển như ở Việt Nam ta và cũng ít có nơi nào mà quy trình sơn sửa 1 chiếc xe hơi lại đa dạng và đủ kiểu như vậy. Các hãng xe với xưởng dịch vụ có dây chuyền sơn hiện đại theo quy chuẩn của từng hãng. Các garage tư nhân với quy mô nhỏ và các thợ sơn đầy kinh nghiệm…
Vậy khi phải đưa xe vào garage để tút lại xế yêu của mình, bạn có nắm được quy trình chuẩn cần có để chiếc xe của bạn được phục hồi nguyên trạng?
OFNews xin được giới thiệu với bạn đọc một quy trình sơn tiêu chuẩn tại một garage uy tín đã được cộng đồng OF công nhận.
Bước 1: Gara nhận xe, kiểm tra tình trạng
– Khi xe vào garage, người quản lý dây chuyền sẽ phải nhận xe của bạn, kiểm tra tình trạng hư hỏng của vỏ xe, chia sẻ với bạn phương hướng sửa chữa và dự kién chi phí sơn sửa xe của bạn.
– Thợ cả trực tiếp nhận xe và đưa vào dây chuyền sơn.
Bước 2: Đưa xe vào khu vực gò hàn, vá đối với những xe bị hư hỏng nặng phần vỏ
Công đoạn gò hàn giúp xử lý những vết rách, thủng hay móp bẹp của vỏ xe, tạo hình lại vỏ xe như nguyên bản của nhà sản xuất.
Gò vá những phần bị rách.
Bắt vít định vị.
Kiểm tra lại phần vừa được tạo hình để đảm bảo độ phẳng tuyệt đối.
Các vết rách sẽ được cắt lại gọn gàng, vá lại và định vị bằng đinh tán, sau đó dùng máy hàn nối lại. Những phần hàn dư hay lồi ra sẽ được thợ mài nhẵn.
Tỉa bớt những phần tôn thừa.
Kiểm tra lại bằng tay khu vực vừa được hàn vá.
Đối với các vết lồi lõm, sẽ cần một thợ gò lành nghề nắn chỉnh bằng búa gò và máy hàn rút điểm. Đây là công đoạn khó bởi việc kiểm tra miếng gò và bề mặt phải làm hoàn toàn bằng tay và cảm quan của người thợ. Việc tạo hình lại như nguyên bản đòi hỏi kinh nghiệm và kiến thức cao về kết cấu và hình dáng chuẩn của mỗi chiếc xe. Khó khăn nhất là các đường gấp, góc cạnh như mép cửa, hốc lốp… để khi sơn xong, phần tôn và nhựa phải liền khít với nhau.
Sử dụng máy hàn rút tôn để kéo ra những phần bị lõm.
Dùng búa để vỗ phẳng những phần lồi…
Cứ như vậy cho đến khi bề mặt căng đều.
Kiểm tra bằng cảm quan.
Bước 3: Bả ma tít, làm phẳng bề mặt
Đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất trong cả quy trình. Bề mặt khu vực cần sơn sẽ được mài nhẵn, làm vệ sinh sạch sẽ trước khu được phủ một lớp bả nền. Lớp bả nền cần thật mỏng và đều, nhất là với những đoạn tiếp giáp lớp sơn gốc. Sẽ cần ít nhất 3 giờ đồng hồ phơi khô trong điều kiện thời tiết không ẩm ướt hoặc 1 giờ đồng hồ với máy sấy chuyên dụng. Nếu bả quá dày và không đủ khô, bề mặt sơn sẽ mau chóng bị “nổ”, độ bền của lớp sơn mới sẽ giảm đi rõ rệt.
Trám đều các vết trầy xước nhẹ bằng bả.
Vuốt tỉ mỉ những đường cong, gấp mép.
Đánh nhám toàn bộ khu vực cần sơn.
Sau khi lớp bả nền đã khô, bề mặt sơn sẽ được mài thô bằng máy mài nước rồi mài tinh bằng tay. Một lớp sơn lót màu ghi sẽ được phủ đều trên bề mặt khu vực sửa chữa (lưu ý là phần sơn lót thường sẽ lớn hơn rất nhiều phần được bả vá).
Sơn lót tạo bề mặt đồng đều, việc này giúp thợ sơn dễ dàng kiểm tra các vết lồi lõm trên bề mặt bả.
Kiểm tra và hoàn thiện bề mặt sơn bả. Đây là công đoạn tốn khá nhiều thời gian, ngay cả đối với những thợ sơn lành nghề. Một miếng giấy ráp mịn luôn đi cùng với một bàn bả nhỏ xíu nhằm tạo bề mặt phẳng tốt nhất cho khu vực cần sơn (xe của bạn có “căng đét” như mới hay không là nhờ vào công đoạn này).
Mài lại bề mặt vừa sơn lót và bả bổ sung những phần chưa đều.
Dùng ráp nước mài nhẵn lại phần vừa sơn lót.
Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và nhẫn nại cao bởi nó sẽ quyết định đến chất lượng sản phẩm sau sơn.
Kiểm tra lại bằng tay, bề mặt bả đạt yêu cầu phải đảm bảo nhẵn mịn và phẳng đều.
– Khác với quy trình sơn một chiếc xe mới bằng robot, công đoạn sơn sửa xe hơi chỉ có thể thực hiện thủ công với đôi tay của những người thợ lành nghề. Việc trả lại bề mặt vỏ xe “như mới” là không hề đơn giản, đòi hỏi người thợ phải có khả năng cảm quan rất tốt.
Vật liệu bả nền cao cấp cho xe hơi
Bước 4: Vệ sinh xe trước khi sơn phủ
– Sau khi hoàn tất khâu sơn bả nền, xe của bạn sẽ được đưa vào khu vực rửa để vệ sinh toàn bộ bụi và bột bả bám trên bề mặt.
– Khác một chút với quy trình rửa xe làm sạch thông thường. Sau khi xe của bạn được rửa bằng xà phòng và xả sạch bằng nước, thay vì dung giẻ lau và vòi khí để làm khô xe, thợ kỹ thuật sẽ đưa xe bạn vào phòng sơn để sấy khô. Việc này giúp hạn chế tối đa bụi bám vào vỏ xe do khăn lau gây ra.
Đưa xe vào phòng sấy.
Xì khô hoàn toàn trước khi sơn.
Bước 5: Sơn
– Khác với các quy trình gò, hàn, bả vỏ xe cần rất nhiều yếu tố kinh nghiệm và sự lành nghề của nhân viên kỹ thuật, quy trình sơn đòi hỏi sự đầu tư tốt về trang bị máy móc. Một phòng sơn tiêu chuẩn phải đảm bảo có đủ các hệ thống vận hành sau
+ Phòng khép kín chống bụi.
+ Hệ thống đèn chiếu sáng tiêu chuẩn.
Dàn thổi khí tuần hoàn và sấy khô sơn xe.
+ Hệ thống không khí tuần hoàn bao gồm hệ thống thổi khí sấy từ nóc phòng sơn và hệ thống hút khí và lọc bụi dưới sàn phòng sơn.
Hệ thống hút bụi sơn.
Hệ thống hút bụi sơn có các tấm than hoạt tính để lọc hoàn toàn bụi bẩn trước khi được tuần hoàn trở lại dàn khí sấy. Hệ thống này giúp bảo vệ môi trường quanh khu nhà xưởng, hoàn toàn không thải bụi và mùi sơn ra ngoài không khí.
– Xác định code màu: mã màu sơn gốc của xe thường được ghi rõ tại miếng decan gắn trên cột B cạnh ghế lái. Thợ sơn sẽ đọc mã màu và nhập vào máy tính để cho ra công thức pha sơn chuẩn. Khu vực pha sơn gồm một tủ lớn xếp các hộp màu sơn gốc được sắp xếp thứ tự theo quy định. Một chiếc cân điện tử có chức năng cộng dồn và ghi nhớ từng đơn vị sơn đã pha.
Mã màu 9A.
– Pha sơn:
Sau khi nhập code màu vào máy tính (phần mềm pha sơn cũng có thể được cài trên các thiết bị di động cầm tay chạy IOS hoặc Android), thợ pha sơn sẽ nhận được 1 bảng chi tiết các màu và trọng lượng cần pha. Cân điện tử giúp thợ sơn pha được chính xác màu theo mã ghi trên xe hơi.
Phần mềm công thức pha sơn giờ đã có cả trên điện thoại Iphone.
Bảng quy định vị trí sắp xếp các màu sơn gốc trên giá và cách pha màu.
Sổ ghi chép công thức pha sơn
Cân pha sơn theo công thức.
Phương thức gia giảm màu sơn:
Với điều kiện khí hậu ở Việt Nam, chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, màu sơn trên xe của bạn sẽ bị bạc đi dưới tác động của mưa nắng và độ ẩm. Khi đó, màu pha theo máy tính sẽ không còn trùng khớp với màu sơn thực tế trên xe bạn nữa. Việc phải gia giảm màu sơn cho phù hợp lúc này sẽ lại phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệp pha sơn của nhân viên kỹ thuật. Ví dụ màu sơn “nòng súng” sẽ có xu hướng ngả sang theo gam màu xanh… Đa số màu sơn sẽ phải gia giảm cho sáng lên. Việc gia giảm và ướm thử màu sẽ được thực hiện cho tới khi màu pha trùng với màu sơn thực tế của xe bạn.
Ướm thử màu sơn vừa pha với xe.
Gia giảm theo màu thực tế hiện tại của xe sắp sơn.
Kiểm tra lại màu sơn trên thực tế.
Dán che: Phần không sơn sẽ được dán phủ một lớp
nilon hoặc giấy báo
, việc dán băng dính chuyên dụng kĩ lưỡng sẽ giúp mép của khu vực sơn tiếp giáp với các phần còn lại được sắc nét.
Dán phủ những phần không sơn bằng băng dính và nilon chuyên dụng.
Kiểm tra trước khi sơn: Nhân viên kỹ thuật sẽ “soi” lại các lỗi trên bề mặt bả dưới ánh đèn phòng sơn để đảm bảo bề mặt sơn phủ được hoàn hảo nhất có thể.
Kiểm tra và tinh chỉnh lần cuối bề mặt bả trước khi sơn.
Sơn màu: Sơn màu sau khi được pha chuẩn xác sẽ được thợ sơn phủ đều trên bề mặt cần sơn bằng súng phun. Ngoài việc phun sơn đều tay, áp suất khí của sung cũng ảnh hơngr rất lớn tới độ mịn của hạt sơn và độ phủ đều bề mặt (lưu ý rằng các xưởng sơn “chuẩn” sẽ không bao giờ sơn theo kiểu “vá miếng” mà phải sơn phủ đều toàn bộ một đơn nguyên trên vỏ xe như cánh cửa, mặt capo, cản… Đa số xe hơi trên thị trường sẽ chỉ phải sơn 1 tới 2 lớp màu là đủ đẹp, chỉ có một số rất ít các xe sang yêu cầu phải sơn tới 10 – 15 lớp mới có thể lên được gam màu như màu gốc của chiếc xe.
Phủ bóng: Không giống như sơn màu có tốc độ khô bề mặt khá nhanh (thường chỉ 30 phút sau khi sơn), sơn bóng có tốc độ khô chậm và không thể sấy “ép” (thường phải mất 4-5 tiếng để khô bề mặt và 24 tiếng để khô hoàn toàn)
– Sấy khô: Phòng sơn tiêu chuẩn chính là nơi lý tưởng để phàn vừa được sơn trên xe của bạn được khô đều, chậm và tránh được mọi loại bụi bẩn làm hỏng bề mặt khi sơn chưa kịp khô. Hệ thống hút khí và phu khí sấy sẽ liên tục làm việc để phòng sơn luôn duy trì được nhiệt độ và độ ẩm tốt nhất.
Bước 6: Đánh bóng
Việc đánh bóng sau sơn chỉ được thực hiện khi lớp sơn phủ và sơn bóng đã khô hoàn toàn. Ngoài việc tạo độ sáng bóng của vỏ xe, đánh bóng còn giúp loại bỏ các “gợn” sơn phủ bóng, tạo bề mặt phẳng mịn cho nước sơn. Điểm lưu ý với việc đánh bóng sau sơn là thợ đánh bóng phải rất “nhẹ nhàng” và đều tay vì bề mặt sơn mới dễ bị rộp hơn do độ cứng vật lý.
Bước 7: Rửa xe sau khi sơn
Sau khi ra khỏi xưởng sơn, xe của bạn sẽ được rửa lại một lần nữa băng nước sạch phun áp lực yếu (không dùng xà phòng) đồng thời tẩy sạch các vết băng keo dán che khu vực không sơn. Lau nhẹ lại bằng khăn mềm, chiếc xe của bạn đã lại trông như mới và sẵn sàng cùng bạn vi vu trên đường.
Bước 8: Trả xe cho khách hàng
Cùng với bảng ghi chép các phần sửa chữa của xe được nhân viên kỹ thuật ghi lại, người quản lý sẽ lấy đó làm căn cứ để tính toán chi phí sơn sửa thực tế với chiếc xe của bạn (cộng thêm những phát sinh được phát hiện trong quá trình sơn sửa). Mọi xưởng sơn đều có chế độ bảo hành với điều kiện bạn tuân thủ đúng những dặn dò của người quản lý (không rửa xe trước 24 tiếng, không đánh bóng hay cọ mạnh nước sơn…). Thanh toán tiền công và nhận lại xe, bạn đã có bên mình chiếc xế yêu long lanh cho những cung đường nắng đẹp.
BUSINESS – CỔNG THÔNG TIN VỀ VẤN ĐỀ KINH DOANH , THƯƠNG MẠI, KHỞI NGHIỆP MỚI NHẤT, GƯƠNG MẶT DOANH NHÂN VÀ NHỮNG BÀI HỌC TRONG THỰC TIỄN QUẢN TRỊ CỦA DOANH NHÂN
BUSINESS BY THIENMY.COM – THÔNG TIN KINH DOANH – KHỞI NGHIỆP – MARKETING – DOANH NHÂN
Cùng Danh Mục:
Leave a Reply